Mấy bữa nay Ộp hay mải mê xem một chương trình hẹn hò trên Youtube, thấy họ ra về với nhau mà không khỏi chạnh lòng. Không biết liệu rằng sau này, rồi sẽ có ai đó bước vào cuộc đời mình và cùng mình đi hết quãng đường đời còn lại không nhỉ? Người bình thường tìm kiếm một tình yêu đã khó, đối với Ộp có lẽ còn khó hơn.
Hai ba tuổi, sau gần một năm chia tay mối tình yêu xa, Ộp chẳng còn quen ai nữa. Có thể vì Ộp chưa sẵn sang bắt đầu mối quan hệ mới sau những đổ vỡ, cũng có thể vì chưa có một ai đó phù hợp bước vào làm cô rung động một lần nữa. Người ta nói cái giá của hạnh phúc là ràng buộc, còn cái giá của tự do là cô đơn. Thi thoảng Ộp thấy chạnh lòng, thấy trống trải chẳng biết chia sẻ cùng ai. Đã có lúc muốn tìm kiếm cho mình một tình yêu nhưng luôn có một lý do khiến Ộp không khỏi băn khoăn: “Liệu rằng có ai đó thực sự vì mình hay không?”
Ộp đã bắt đầu biết thế nào là rung động kể từ khi học cấp ba. Ngày còn học lớp 11, từ một tin nhắn lạ của cậu bạn cùng lớp mà kể từ ấy hai người bước vào mối quan hệ mập mờ với nhau. Tình yêu tuổi học trò có nhiều thứ tinh khôi mà trong sáng lắm! Cậu là học sinh giỏi của lớp, các bạn vẫn thường gọi cậu là “giáo sư”, còn Ộp là học sinh đặc biệt, vì tháng nào cũng nghỉ học vài ngày.
Nhớ lần đó Ộp nghỉ học mất một tuần, cậu nhắn tin hỏi thăm, cậu bảo:
- Này,khỏe chưa?
- Tớ bình thường mà, chuyện cơm bữa rồi. Có gì đâu!
- Thế cậu nghỉ lâu vậy đi học có theo được không?
- Không biết nữa nhưng có gì không hiểu tớ hỏi cậu nhá?
- Hỏi tớ á? Ừm, được thôi! Vậy thì từ nay bái tớ lên làm thầy đi, cậu làm học trò của tớ nhá?
- Thầy, trò? Được! Nhưng thầy phải dạy cho cẩn thận vào đấy!
Vậy là kể từ đó Ộp gọi cậu là “thầy” , cậu là người đầu tiên bước vào cuộc đời của cô, quan tâm đến sức khỏe của cô, lo lắng cô không theo được và động viên cô những khi cần. Cậu biết, cả lớp và cô giáo đều biết Ộp là một trường hợp đặc biệt, phải thường xuyên đi viện truyền máu. Mỗi lần nghỉ học đi viện, cậu đều nhắn tin khích lệ cô: “Cố lên nhé! Có khó khăn mới tạo kim cương”.
Thế rồi tuổi học trò cũng qua đi, cô trở thành một sinh viên ngành Dược, mối quan hệ mập mờ ngày nào cũng mờ nhạt dần đi. Cả hai đều có môi trường mới, quan hệ mới, không còn thân nhau như ngày nào. Ộp tham gia tình nguyện viên, tại đây quen một cậu bạn khác, cậu ấy cũng là tình nguyện viên.
Cả hai cùng thuộc Hội Máu nhưng không cùng chi hội. Ộp là 14/6 còn cậu là 15/10. Cậu biết đến Ộp qua facebook, cậu thường theo dõi và đọc những bài viết của cô. Bỗng một ngày, cậu nhắn tin làm quen với cô, có lẽ vì cậu vui tính, hài hước nên cô cũng bị cuốn vào những mẩu tin nhắn hàng ngày. Họ bắt đầu thân nhau hơn, rủ nhau xem phim qua màn hình laptop, hẹn nhau đến những chương trình hiến máu của Hội.
Xuân Hồng 2018 là Chương trình đầu tiên mà hai người đã hẹn gặp nhau, cũng là lần đầu tiên được thấy nhau ngoài đời thực. Ngày ấy Ộp vẫn còn nhiều tự ti về ngoại hình của mình. Cô rụt rè trước làn da xanh xao, dáng người gầy và khuôn mặt mang chút nét đăc trưng của Thalassemia. Khi cậu ở đâu đó xuất hiện trước mặt Ộp thì cô đã khóc, khóc vì không dám đối mặt với cậu, không đủ tự tin, khóc vì bất ngờ, hạnh phúc vì cậu đã ở đây, bên cạnh cô.
Và điều mà cô đã sợ, rất sợ, đó là liệu cậu biết rằng cô mang trong mình Thalasemia thì liệu cậu có ngần ngại khi tiếp tục mối quan hệ này với cô không? Liệu rằng cậu có hờ hững, lạnh nhạt mà không chơi với cô nữa không? Nhưng tất nhiên là không rồi, cậu là tình nguyện viên mà. Cậu tử tế và lương thiện, cậu không như vậy. Sau ngày hôm ấy, Ộp cảm nhận được hai người trở nên thân thiết hơn.
Những ngày cận Tết, viện tỉnh khan hiếm máu trầm trọng. Trong khoa khuyến khích người nhà bệnh nhân huy động người thân cùng tham gia hiến máu để khắc phục tình trạng này. Nhà Ộp chẳng có ai đủ điều kiện hiến máu cả, bố mẹ Ộp thì càng không đủ vì đều mang gen, cô thì tiểu đường, bác thì huyết áp. Mấy lần trước người nhà Ộp cũng có đi lên Viện huyết học rồi mà không được ai cả. Lần này Ộp phải tự vận động bạn bè, từ đội tình nguyện cho đến cậu. Cuối cùng chính những giọt máu của cậu lại giúp được Ộp có máu truyền trong những ngày khó khăn như thế này. Sau lần cậu đi hiến máu cho Ộp, cô càng thấy thích cậu nhiều hơn.
Nhưng vì quá cố chấp, muốn khẳng định, muốn có một cái tên cho mối quan hệ này mà làm cậu khó xử. Thế rồi chẳng đi đến đâu cả, mọi thứ cũng dần mờ nhạt dần đi.
Cũng chính trong đội máu của trường, Ộp được một người bạn ngưỡng mộ rồi thầm để ý. Anh là tình nguyên viên mới của đội. Anh đọc dược một bài báo trên trang của Hội viết về Ộp, một cô gái sống cùng căn bệnh Tan máu bẩm sinh, đi viện truyền máu hàng tháng nhưng lại tham gia tình nguyện và đi vận động hiến máu cho chính bản thân mình. Anh thấy ngưỡng mộ lắm! Từ ngưỡng mộ anh chuyển qua thích Ộp vì cuộc đời Ộp buồn vậy nhưng bên ngoài lại luôn vui vẻ, hài hước với mọi người. Buổi hẹn đầu tiên là sau khi kết thúc Chương trình hiến máu toàn trường, những buổi hẹn sau đó anh và cô rủ nhau trốn họp đội để đi chơi.
Cứ nghĩ rằng nếu bắt đầu một mối quan hệ với một người, người mà biết trước được mình như thế nào, biết được cuộc đời mình ra sao rồi thì có lẽ người ta sẽ thương và thông cảm cho mình nhiều lắm nên Ộp dễ dàng mở lòng, Ộp nghiêm túc và dành thời gian tìm hiểu anh. Nhưng không, thứ tình cảm xuất phát từ ngưỡng mộ ấy không đủ để cùng nhau đi quãng đường dài sau này… Mối tình đó chỉ vài tháng rồi chia tay. Dù sao cũng có tỏ tình, có kết thúc nên cứ cho nó là một mối tình vậy.
Hơn một năm sau đó, Ộp hiện giờ không còn là sinh viên, cũng không còn là tình nguyện viên nữa, cô ra trường và bắt đầu đi làm. Bất chợt tình yêu lại ập đến với Ộp một lần nữa, chuyện tình cảm đúng là những thứ tự nhiên, đến và đi đều không thể ngờ được.
Anh cùng quê với Ộp nhưng đi làm xa, bốn năm mới về một lần vào dịp Tết Nguyên Đán. Năm ấy anh gặp được Ộp, nhớ ra rằng bốn năm trước đã từng nhắn tin với nhau anh lại thử một lần nữa và lần này anh đã cưa đổ được cô. Có điều, một lần nữa Ộp không đủ tự tin, không đủ dũng khí để nói với anh về điểm yếu của cô. Cho đến một ngày, mọi thứ không thể che giấu được nữa cô mới dám thổ lộ. Tìm lại bài báo năm nào viêt về cuộc đời phải thường xuyên đi viện truyền máu và thải sắt hàng tháng, cô lấy hết can đảm gửi cho anh. Anh đọc. Còn cô thì bộc bạch hết những gì mình đã không dám nói bấy lâu nay. Đêm đó anh đã khóc, cô cũng khóc. Mười hai giờ đêm, cả hai đều nằm ôm điện thoại và khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh khóc vì thương cô. Thương những gì người yêu mình đã trải qua suốt hai mươi mốt năm trời, thương cho cô gái nhỏ bé ấy phải chịu nhiều khó khăn của cuộc đời. “Em đã khổ rồi, vậy mà nhiều lúc, anh còn làm em tổn thương nữa”- anh tự trách móc bản thân mình. Còn Ộp, cô khóc vì sau nỗi sợ, sau những ngày không dám thổ lộ thì hôm nay đã có thể nói hết với anh rồi.
- Dù sao anh cũng biết em bị bệnh rồi. Em như này, nếu sau này lấy nhau, con của mình cũng sẽ có phần nào tỷ lệ mang gen em, rồi nhỡ mang bệnh thì sao? Chuyện tình mình có lẽ cũng chẳng đi đến đâu đâu. Hay là thôi, mình dừng lại đi anh….”
- Không. Em hâm à. Anh không thể làm thế được. Anh thấy thương em nhiều hơn. Anh xin lỗi vì đã làm tổn thương em nhiều rồi. Em đừng nghĩ nữa. Chúng mình đừng quá lo chuyện mai sau…”
Năm bên này nghe thấy tiếng anh khóc nấc từng cơn đầu dây bên kia, cô thật sự rất cảm động. Cô nghĩ: “Liệu rằng mình có tìm được anh Phát (2) của cuộc đời mình không nhỉ?”
Chuỗi ngày đi viện sau đó là những cuộc facetime hơn tiếng đồng hồ trên giường bệnh hay ngoài hành lang bệnh viện. Cô thường kể anh nghe về bữa sáng ở viện, về chiếc bánh mỳ ngoài cổng, về chỗ mà ngày xưa mà cô đã từng ngồi với vai trò là tình nguyện viên…. Và cô đặt rất nhiều hy vọng cho tình yêu ấy, mối tình dài nhất, sâu đậm nhất và nhiều cung bậc cảm xúc nhất đối với cô.
Ngày gặp lại anh sau một năm xa cách, cả hai đã cùng nhau thực hiện hết những dự định của mình khi còn yêu xa. Cô đã tự vạch ra những dự định riêng dành cho anh. Cô nghĩ: “Nhất định sẽ rủ anh đến viện hiến máu, sẽ rủ anh cùng đi viện để anh thấy được những gì mình trải qua, cuộc đời của mình sẽ gắn bó với viện, kim tiêm, những bịch máu… như thế nào. Nếu anh cùng mình trải qua được 2 điều này thì mình chẳng còn mong đợi điều gì nữa. Chỉ cần anh chấp nhận mình, đồng hành cùng mình những ngày phải đi viện như này thì mình sẽ lấy anh làm chồng.”
Thế nhưng những ngày nghỉ Tết thì quá ngắn, lại dịch, chưa kịp thực hiện hai điều ấy thì anh phải về lại Sài Gòn. Mối tình yêu xa ấy không thắng được khoảng cách, không thắng được những cuộc cãi vã bất đồng quan điểm, không vượt qua được những câu nói lúc giận dỗi mà làm tổn thương nhau. Cuối cùng, họ chia tay nhau.
Chia tay khi vẫn còn yêu nhau nhưng tình yêu của anh chẳng đủ bao dung, chẳng đủ kiên nhẫn và chẳng đủ thương như những gì anh đã từng khóc ngày ấy. Tình yêu của cô lại không đủ dịu dàng, không đủ ấm áp để giữ anh ở bên.
Một lần nữa Ộp lại sụp đổ. “Liệu rằng mình sẽ có một Happy Endding không nhỉ? Liệu có đủ may mắn để được như các chị trên viện, có chồng đến chăm nom những ngày ốm đau ở viện, có cu con vãn khỏe mạnh bình thường?” Nghĩ cuộc đời nhiều lúc bất công, vì Thalassemia mà khó khăn đủ mọi mặt, từ sức khỏe, công việc cho đến tình yêu. Sao mà nhiều chông gai đến thế!
Người bình thường tìm kiếm một tình yêu đã khó. Đối với Ộp còn khó hơn rất nhiều. Người ta bảo: “Ngồi im, tình yêu sẽ đến!” Nhưng không ai nói bao giờ thì nó sẽ đến……
______________________
(1) Ảnh được chụp đợt cấp cứu tại Ha Dong General Hospital
(2) Anh Phát: là một tình nguyện viên nhà Máu, anh hoàn toàn khỏe mạnh. Anh quen một chị bệnh nhân Thalassemia trong một CLB tình nguyện, thương chị rồi về cùng 1 nhà với chị.
Nhận xét
Đăng nhận xét