Thalassemia - gia đình không trọn vẹn

- Cu ơi, chị mượn cái sạc chị sạc một tý nha?

Mặt thằng bé có vẻ hơi chần chừ nhưng nó không nói gì với tôi. Tôi vẫn với tay lấy dây sạc cắm vào điện thoại:

-        -   Chị sạc một lý thôi, chút nữa em cần thì chị tháo.

Một người đàn ông đi đến, ngồi cạnh cậu bé và bảo:

-        -  Cháu cứ dùng đi, nó cũng sắp truyền xong rồi.

Thế rồi trong lúc đợi điện thoại đang sạc pin, tôi hỏi chuyện bác vài câu. Hóa ra bác ấy là ông ngoại của thằng bé.  Bố mẹ nó bỏ nhau khi phát hiện ra nó bị bệnh.

-        -  Lấy con gái tôi về xong, tôi cho tiền nó làm nhà, bảo nó về đây ở với gia đình tôi, xin cho nó một công việc đoàng hoàng. Ấy vậy mà biết thằng này bị bệnh, nó đòi bỏ. Hôm ra tòa ly dị nhau, nó còn thống nhất với gia đình nhà tôi sẽ chịu một nửa chi phí đi viện hàng tháng của thằng bé.

-         - Thế giờ anh ấy có chu cấp đều đặn hàng tháng không bác?

-        -   Ối giờ ơi. Ký xong nó bỏ chạy mất dép rồi còn mặt mũi đâu. Lên đến tận nhà nó mà gia đình nhà nó còn không cho gặp thì lấy đâu ra?

Nhìn thằng bé mặt mũi sáng sủa mà tôi thấy tiếc cho một người làm bố. Nó có tội tình gì đâu cơ chứ? Việc nó bị bệnh là chuyện chẳng ai muốn. Nhưng đẻ con ra rồi, nó là máu mủ ruột thịt của mình, mình làm ra nó, mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cho trưởng thành chứ? Tôi ngán ngẩn lắc đầu:

-          Đúng thật là mất tình mất nghĩa quá!

Thế rồi nó sống với ông bà ngoại. Bố nó lấy vợ, còn mẹ nó lấy chồng,mỗi người đều có một gia đình mới.

-        -  Bố dượng nó cũng tử tế lắm! Bảo với nhà tôi là cho thằng bé này về ở với gia đình bên ấy, người ta lo cho. Nhưng mà thôi, hai vợ chồng tôi vẫn có thể lo cho nó được nên cũng chỉ cám ơn thôi…

Cũng may là sau khi lấy chồng mới, mẹ nó cũng sinh được một thằng em kháu khỉnh giống nó. Mỗi lần đi viện như thế này, em trai nó ở nhà khóc lóc dữ dội lắm! Vì nhớ anh, không được chơi với anh. Còn mẹ nó vì đi làm công ty, nhà ngoại lại gần và thuận tiện đi lại hơn nên xin gia đình nhà chồng về dưới này ở. Vây là thằng nhóc có ông bà ngoại, có mẹ lại có cả cu em để chơi cùng mình nữa. Không cần bố luôn.

Tôi thấy mừng, vì ít ra nó không bị cô đơn. Một đứa trẻ có bố, có mẹ đàng hoàng nhưng lại không có được một gia đình đầy đủ cả hai, thật đáng tiếc. Không biết sau này lớn lên, nó có trách bố nó không nhỉ? Là tôi, tôi còn trách. Nhưng nghĩ một khía cạnh khác, từ bi hơn thì bố nó cũng thật đáng thương. Một người đàn ông đến cả một công việc cho mình, một mái nhà cho gia đình cũng không thể lo được thì sao có đủ tự tin mà gánh vác thêm một đứa con mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo – hàng tháng đi viện truyền máu một lần cho đến suốt cuộc đời. Anh ta chọn ly dị cũng bởi vì không đủ dũng cảm để đối mặt và đón nhận hoàn cảnh của mình. Anh ta muốn giải thoát.


Tôi đã gặp không ít trường hợp như này rồi. Và tôi còn biết rằng ngoài kia, có rất nhiều gia đình đã và đang ở trong hoàn cảnh  ấy khi biết được vợ, chồng  hay con mình mang bệnh, một căn bệnh phải tốn nhiều chi phí, cần nhiều tình yêu thương và cùng nhau cố gắng nhiều hơn. Nhưng họ lại chọn cách từ bỏ vì không đủ tiền nuôi con, vì cần có vợ mới để sinh cho mình đứa con khỏe mạnh nối dõi tông đường, vì không thể cảm thông cho người vợ dăm bữa nửa tháng lại ốm đau, bệnh tật triền mien…  Tất cả những người không đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm với con cái, gia đình đều đáng trách. Nhưng đáng trách hơn là một thứ vô hình mang tên Thalassemia đã cướp đi tất cả của những đứa trẻ mắc bệnh.

Đứa trẻ nào sinh ra cũng xứng đáng có một cuộc sống mới, một cơ thể khỏe mạnh bình thường, một mái ấm đầy tình yêu thương. Thế nhưng Thalassemia khiến các em không được trọng vẹn hai điều ấy, nó làm tôi trăn trở. Tôi không muốn mỗi sáng thức dậy, có 6,7 đứa trẻ sinh ra lại mắc Thalassemia và trong đó lại có khoảng 2,3 đứa là không có một gia đình trọn vẹn. 

Hàng ghế bên kia đang có hai vợ chồng,chị  vợ bế con, anh chồng một tay cầm quạt phe phẩy,  một tay cầm điện thoại giơ lên cho con bé xem. Bên này, thằng bé vẫn chăm chú nhìn chiếc điện thoại. Tôi thở dài.

Nhận xét